Tập đoàn TTHGroup | 0948 956 622 Đặt lịch khám
Viêm Tai Giữa ở Trẻ Em: Nguy Cơ Suy Giảm Thính Lực Không Nên Bỏ Qua

Viêm tai giữa là tình trạng viêm nhiễm ở tai giữa, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh không chỉ gây đau đớn cho trẻ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, đặc biệt là khả năng nghe.

1. Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa là bệnh lý nhiễm trùng phổ biến xảy ra ở tai giữa, khu vực khoảng trống phía sau màng nhĩ. Tình trạng viêm nhiễm khiến tai giữa của trẻ bị tích tụ đầy mủ, từ đó tạo áp lực vào màng nhĩ gây đau buốt và ảnh hưởng đến khả năng nghe. 

Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn yếu và ống tai chưa phát triển hoàn thiện. Viêm tai giữa chia thành 3 loại đó là:

1.1. Viêm tai giữa cấp tính:

Viêm tai giữa cấp tính là một dạng nhiễm trùng tai giữa đột ngột, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh xuất hiện nhanh chóng với các triệu chứng điển hình như đau tai dữ dội, sốt, khó chịu và giảm thính lực tạm thời. Trong một số trường hợp, có thể có dịch mủ chảy ra từ tai nếu màng nhĩ bị thủng. Đây là loại viêm tai giữa phổ biến nhất ở trẻ em.

1.2. Viêm tai giữa ứ đọng dịch:

Đây là tình trạng xảy ra khi dịch tích tụ trong tai giữa mà không có các triệu chứng viêm nhiễm như sốt hay đau tai. Thường làm giảm thính lực do dịch ngăn cản quá trình truyền âm thanh, đồng thời làm cho nhiễm trùng tai dễ xảy ra hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng đến khả năng nghe và phát triển ngôn ngữ của trẻ.

1.3. Viêm tai giữa mãn tính:

Viêm tai giữa mãn tính xảy ra khi nhiễm trùng tai giữa kéo dài (hơn 3 tháng) hoặc tái phát nhiều lần. Bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến màng nhĩ và các cấu trúc bên trong tai, dẫn đến giảm thính lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng viêm kéo dài có thể gây thủng màng nhĩ.

2. Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa ở trẻ em

Trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 3 tuổi có nguy cơ cao mắc viêm tai giữa. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó suy giảm thính lực là hậu quả đáng lo ngại nhất. 

Nguyên nhân là do những vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae (phổ biến nhất), Moraxella catarrhalis và Haemophilus influenzae gây ra. Bên cạnh đó, những yếu tố dưới đây cũng góp phần dẫn tới tình trạng viêm tai giữa ở trẻ:

Hệ miễn dịch non nớt: Các tình trạng nhiễm trùng như viêm mũi, viêm họng, cảm lạnh là nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhiễm trùng tai. Đặc biệt hệ miễn dịch ở trẻ còn yếu, chưa đủ khả năng chống lại tác động của virus, vi khuẩn.

Cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh: Ở trẻ em, cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh, với vòi nhĩ (ống nối tai giữa với mũi, họng) ngắn và hẹp hơn so với người trưởng thành. Bởi thế, virus, vi khuẩn dễ xâm nhập vào tai giữa trẻ em hơn.

Các yếu tố khác bao gồm: tuổi tác (trẻ càng nhỏ thì nguy cơ viêm tai giữa càng cao), dị ứng (gây viêm đường hô hấp trên), tiền sử gia đình (nhiều người thân bị viêm tai giữa), và bệnh mạn tính như hen suyễn, xơ nang,..., cũng làm tăng khả năng mắc viêm tai giữa.

3. Dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa ở trẻ em

Nhận biết sớm triệu chứng viêm tai giữa sẽ giúp cha mẹ phòng tránh được những biến chứng không mong muốn:

3.1. Đau tai dữ dội

Viêm tai giữa gây ra cơn đau tai mạnh mẽ, làm trẻ nhỏ thường trở nên khó chịu và dễ cáu kỉnh. Trẻ có thể khóc liên tục và thường xuyên dùng tay kéo, dụi hoặc gãi tai vì cảm giác đau nhức không dễ chịu. 

3.2. Giảm thính lực

Việc tích tụ dịch trong tai giữa làm cản trở quá trình truyền âm thanh, dẫn đến giảm thính lực. Trẻ có thể không phản ứng với các âm thanh quen thuộc hoặc gọi tên. 

3.3. Sốt cao

Viêm tai giữa thường đi kèm với sốt cao, đôi khi lên đến 39-40 độ C. Trẻ có thể bị mệt mỏi, mặt đỏ bừng và nóng, đổ mồ hôi nhiều hoặc run rẩy. Sốt thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại vi khuẩn hoặc virus gây bệnh.

3.4. Chảy dịch từ tai

Dịch thường có màu vàng, xanh lá hoặc trắng và có thể kèm theo mùi hôi khó chịu. Trẻ cần phải được kiểm tra ngay để xem liệu rằng trẻ có đang bị thủng màng nhĩ.

3.5. Khó ngủ, cáu kỉnh và ăn uống kém

Cơn đau tai có thể làm trẻ khó ngủ, đặc biệt khi nằm xuống, trẻ thường trằn trọc, quấy khóc suốt đêm. Đồng thời, việc nhai hoặc nuốt thức ăn có thể làm tăng cảm giác đau, khiến trẻ từ chối ăn hoặc ăn uống rất ít. Sự mệt mỏi do đau và thiếu ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ.

4. Biến chứng viêm tai giữa ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị thích hợp, dịch mủ từ tai giữa có thể lan sang các vị trí giải phẫu lân cận và dẫn đến các biến chứng ở nhiều mức độ khác nhau.

Suy giảm thính lực: Viêm tai giữa kéo dài có thể làm tổn thương các tế bào lông cảm giác trong tai trong, gây khó khăn trong việc truyền âm thanh đến não. Điều này ảnh hưởng đến khả năng nghe nói, học tập và giao tiếp của trẻ.

Viêm xương chũm: Khi viêm nhiễm lan rộng từ tai giữa sang xương chũm, trẻ sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội và sưng tấy ở vùng tai. Tình trạng này có thể dẫn đến hình thành mủ trong xương, gây tổn hại nghiêm trọng đến cấu trúc tai.

Thủng màng nhĩ: Áp lực mủ trong tai giữa quá lớn có thể khiến màng nhĩ bị rách. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy đau, tai chảy mủ và thính lực bị giảm, đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Áp xe não: Đây là biến chứng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vi khuẩn từ viêm tai giữa có thể xâm nhập vào não và hình thành ổ mủ, gây ra áp xe não. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, sốt cao… 

Liệt mặt: Viêm nhiễm lan đến dây thần kinh mặt có thể gây liệt một bên mặt. Điều này ảnh hưởng đến khả năng biểu cảm và ăn uống của trẻ, gây khó khăn trong giao tiếp hàng ngày.

Viêm màng não: Khi vi khuẩn xâm nhập vào màng não từ viêm tai giữa, tình trạng viêm màng não có thể xảy ra. Đây là biến chứng nghiêm trọng, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

5. Phương pháp điều trị viêm tai giữa ở trẻ em

Theo dõi và chăm sóc tại nhà

Trong nhiều trường hợp viêm tai giữa nhẹ, bác sĩ có thể khuyên cha mẹ theo dõi tình trạng của trẻ tại nhà mà không cần dùng thuốc. Cần đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, uống đủ nước và giảm đau bằng cách sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen.

Sử dụng kháng sinh

Nếu viêm tai giữa do vi khuẩn gây ra và triệu chứng kéo dài hoặc nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh. Thời gian điều trị thường từ 5 đến 10 ngày tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Việc dùng thuốc cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian để đảm bảo hiệu quả.

Thuốc nhỏ tai

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên sử dụng thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh hoặc corticosteroid để giảm viêm và đau. Tuy nhiên, thuốc nhỏ tai không được khuyến cáo nếu có thủng màng nhĩ hoặc chảy mủ từ tai.

Phẫu thuật

Nếu viêm tai giữa tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không đáp ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật có thể được xem xét. Phẫu thuật thường bao gồm tạo hình màng nhĩ hoặc đặt ống thông tai để giúp giảm áp lực và thông thoáng tai giữa.

Thăm khám định kỳ

Trẻ em đã từng bị viêm tai giữa nên được thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng tai và sức khỏe nói chung. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến bệnh.

6. Phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ nhỏ

Một số thói quen sống tích cực có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng tai. Các biện pháp có thể bao gồm:

Tiêm phòng vắc xin: Tiêm phòng các loại vắc xin như vắc xin phế cầu, vắc xin cúm và vắc xin bệnh sởi có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tai. 

Giữ vệ sinh đường hô hấp: Giáo dục trẻ về việc rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi đi học hoặc chơi đùa. Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất kích thích khác.

Nuôi con bằng sữa mẹ: Cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, bao gồm viêm tai giữa.

Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám bác sĩ định kỳ để kiểm tra sức khỏe tai mũi họng của trẻ. Việc phát hiện sớm các vấn đề về tai sẽ giúp ngăn ngừa viêm tai giữa và các biến chứng liên quan.

Giữ ấm và bảo vệ tai: Trong những ngày thời tiết lạnh hoặc có gió lớn, cần đảm bảo rằng tai của trẻ được giữ ấm và bảo vệ khỏi các yếu tố môi trường. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và viêm tai giữa.

 

Kết luận

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ là bệnh lý không nên xem nhẹ. Sự phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ tránh được các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ suy giảm thính lực. Cha mẹ cần theo dõi sát sao các triệu chứng ở trẻ và đưa bé đến khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường để bảo vệ sức khỏe thính giác của con.

💚 Bệnh viện Đa khoa TTH Vinh hạnh phúc khi được đồng hành cùng khách hàng trên hành trình bảo vệ sức khỏe. Chúng tôi luôn nỗ lực để mang đến cho cộng đồng những điều tốt đẹp và ý nghĩa nhất!

************************************************************************

Tại Bệnh viện Đa khoa TTH Vinh

Khám sức khoẻ và tầm soát sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa TTH Vinh để trải nghiệm ngay những lợi ích :

 

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE CSKH: 0948.956.622 - 0238.321.6789

 

Hoặc để lại thông tin chi tiết để được tư vấn thêm:

 

Website: https://benhvientthvinh.vn/

 

Fanpage: Bệnh Viện Đa Khoa TH Vinh

 

Youtube: https://www.youtube.com/@benhvienakhoatthvinh3716

 

#BenhviendakhoaTTHVinh#benhviennghean#bhyt#viemtaigiuaotreen#suygiamthinhlucdoviemtaigiua#trieuchungviemtaigiua#dieutriviemtaigiua#phongnguviemtaigiuaotre