Tập đoàn TTHGroup | 0948 956 622 Đặt lịch khám

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng lên toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hướng dẫn không rõ nguồn gốc về các phác đồ tự chữa Covid-19 tại nhà, truyền tai nhau những thuốc uống trước khi tiêm vaccine Covid-19 cũng như việc thổi phồng tác dụng của một số thuốc làm cho ng tác truyền thông chính thống gặp nhiều khó khăn khi cần đưa những điều đúng đắn đến với người dân.

“Lượm lặt” thông tin trên mạng để thành phác đồ điều trị

Vừa qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện một bài thuốc Đông Tây y kết hợp điều trị nhiễm Covid-19 kết hợp Paracetamol và xông trong 7 ngày liên tục. Thoạt nhìn có vẻ tác giả đang cố gắng phân loại triệu chứng và đưa ra phác đồ điều trị chi tiết theo hướng nặng dần qua từng ngày. Tuy nhiên, có nhiều điểm bất cập và nguy hại trong những phác đồ điều trị như vậy.

Cảnh giác với muôn kiểu “phác đồ” điều trị Covid-19

Bài thuốc đông tây y kết hợp chữa Covid-19 lan truyền trên mạng. 

Theo phác đồ trên, Paracetamol được biết là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn, có nghĩa là người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường, phổ biến nhất là dạng viên nén 500mg. Để sử dụng an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2-3 viên. Việc dùng 6 viên paracetamol (3 gam) mỗi ngày liên tục trong 7 ngày rất dễ gây quá liều, ngộ độc paracetamol, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, văn phong trong bài thuốc này không phù hợp với phát ngôn của bất kỳ chuyên gia y tế nào (ví dụ thuật ngữ “phổi yếu”), bởi những kiến thức trên giống như được thu lượm trên các trang mạng không chính thống và tập hợp một cách hổ lốn vào phác đồ “hại người” ở trên.

Cần cảnh giác với các thông tin điều trị covid-19 chia sẻ trên mạng xã hội

Việc tiêm vaccine Covid-19 được chứng minh đem lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, lợi dụng tinh thần bất an, tâm lý lo lắng của nhân dân về các tác dụng phụ của vaccine, trên mạng cũng xuất hiện một bản hướng dẫn tiêm vaccine và thuốc tự điều trị Covid-19 lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Cảnh giác với muôn kiểu “phác đồ” điều trị Covid-19

Danh mục vật dụng và thuốc thiết yếu Covid-19 được chia sẻ trên mạng xã hội. 

Người đọc có thể thấy việc bất hợp lý khi đưa nước ép trái cây vào danh mục y tế thiết yếu. Điều đáng chú ý ở hướng dẫn này là “tác giả” này có sự đầu tư chủ động về mặt hình ảnh, cố gắng làm một bản hướng dẫn thật chuyên nghiệp nhằm gây ấn tượng với người đọc. Hoặc việc cổ vũ dùng Telfast (một thuốc chống dị ứng) trước tiêm là một điều hoàn toàn sai lầm.

Thực tế các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo không nên uống thuốc chống dị ứng (hoặc thuốc hạ sốt) trước khi tiêm vaccine vì có thể sẽ làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Chúng ta chỉ nên dùng thuốc chống dị ứng sau khi tiêm vaccine nếu có biểu hiện dị ứng, hoặc trước tiêm nếu có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, việc chủ động tích trữ Dexamethasone (một loại corticoid có tác dụng chống viêm mạnh, liều cao có tác dụng ức chế miễn dịch, thường được các “thầy lang ba đời” pha trộn vào thuốc Đông Y không rõ nguồn gốc để chữa bệnh cơ xương khớp) hay Xarelto (một loại thuốc chống đông máu) là không cần thiết bởi thuốc có rất nhiều tác dụng phụ, thậm chí gây chết người. Những thuốc này cần có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa sâu và việc sử dụng rất thận trọng.

Phác đồ không áp dụng cho toàn dân mà cá thể hoá ở từng đối tượng

Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sỹ, chuyên gia y tế. Việc người dân tự tìm hiểu các thông tin, kiến thức liên quan đến bệnh là đáng khuyến khích, tuy nhiên không nên tùy tiện áp dụng.

Người dân nên tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, hoặc liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu thông tin trước khi sử dụng. Tuyệt đối không chia sẻ các thông tin không chính xác để tự điều trị bệnh.